Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Chiếc cà-sa & tấm áo bẩn


Ảnh chỉ mang tính minh họa

 Tuần qua, cộng đồng mạng Trung Quốc và thế giới xôn xao về vụ “Sư thầy Trung Quốc hoàn tục lấy vợ” và “Sư bị bắt vì tội giết người”. Trước đó không lâu, người dân Hàn Quốc cũng bị “chấn động” vì vụ một số vị sư “uống rượu, đánh bạc”. Thậm chí nhiều tờ báo lớn, trong đó có Việt Nam, xếp những tin tức này vào mục “Chuyện lạ đó đây” theo kiểu giật gân, câu khách 1...
Thực tế, việc một người lấy vợ, uống rượu, đánh bạc hay thậm chí giết người..., vẫn diễn ra hàng ngày tại khắp nơi trên thế giới, đến nỗi báo chí không đủ “đất” để đăng tải. Tuy vậy, nếu nhân vật chính trong những vụ việc này là tu sĩ, hay từng là tu sĩ, thì vấn đề lập tức không còn là “chuyện thường ngày ở huyện” nữa.
Tại sao như vậy? Để lý giải cho vấn đề này, trước tiên tôi xin kể một câu chuyện - câu chuyện được ghi lại trong nhiều bộ kinh quan trọng của Phật giáo.
Chuyện vị Tỳ-kheo ăn trộm hương sen
Vị Tỳ-kheo nọ rời khỏi Kỳ Viên tinh xá, đến trú tại quốc độ Kosala, gần một khu rừng. Một hôm, sau khi ăn xong, trên đường khất thực trở về, vị Tỳ-kheo đi ngang qua một cái hồ sen đang kỳ rộ nở; đứng lại tránh gió, đồng thời vị Tỳ-kheo cũng tận hưởng mùi hương sen tỏa thơm ngào ngạt. Chợt, vị nữ thần cai quản hồ sen hiện ra, quở:
- Này Tôn giả, vì sao ngài ngửi hoa? Ngài nay là giặc trộm hương!
Vị Tỳ-kheo đáp:
- Tôi không bẻ cũng không lấy, chỉ đứng ngửi hương bay, sao gọi tôi là kẻ trộm?
- Không xin mà tự lấy, thế gian gọi là giặc. Nay hoa từ nước sanh, ngài không xin mà ngửi hương, cho dù chỉ là một đóa hoa mới nở, như thế chẳng phải trộm sao? - Vị nữ thần nói.
Ngay lúc đó, có một người lội xuống hồ mò nhổ ngó sen và củ sen, làm gãy nát cả thân sen; rồi người đó bó lại thành bó, vác cả đi. Vị Tỳ-kheo thấy vậy, nói:
- Người kia không những nhổ ngó sen mà còn làm gãy cả thân sen, như thế mới gian xảo, sao thần nữ không can ngăn mà lại trách tôi khi tôi chỉ ngửi hương từ xa?
Nữ thần trả lời:
- Kẻ gian xảo cuồng loạn, sống phóng túng buông lơi, cũng như áo của người vú em vốn thường dính bẩn, dính thêm chút nữa cũng chẳng đủ thiếu gì, nên đâu còn gì để nói. Áo đen có nhuộm mực cũng không sao. Nhưng chiếc cà-sa không vấy bẩn, thì dù một hạt bụi dính vào cũng dễ dàng nhận thấy. Chân ruồi dơ lụa trắng, như mực dính hạt châu, tuy nhỏ mà rõ biết. Người xuất gia vốn cầu thanh tịnh đạo, dứt trừ tham dục, phiền não, nên cái xấu ác dù chỉ nhỏ như lông tóc, người đời vẫn xem như Thái sơn.
Vị Tỳ-kheo nghe vậy, xúc động nói:
- Thần nữ thật hiểu tinh tường nên đã nói với tôi những lời như thế. Xin thần nữ hãy thường vì tôi, nếu tôi còn tái phạm, thì hãy đoái thương nhắc nhở.
Nữ thần đáp:
- Tôi không sống đây để phụng sự ngài. Chúng ta không ở mướn cho ai. Ngài hãy tự biết con đường ngài đi để đạt được hạnh phúc tối cao ở đời.
Sau khi nghe nữ thần nói như vậy, vị Tỳ-kheo hoan hỷ, tùy hỷ ra về, một mình nơi chỗ thanh vắng, chuyên tinh tư duy, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán 2.
Ngẫm từ “những chuyện gây xôn xao dư luận”
Chuyện thứ nhất, “Sư bị bắt vì tội giết người”. Bản tin này được đăng trên China.org, ngay sau đó đã được dịch ra tiếng Việt và được đăng tải trên rất nhiều trang tin điện tử ở Việt Nam; thậm chí có trang còn giật title “Tử hình nhà sư giết người”. Đọc tin xong mới vỡ lẽ, Xu Xinlian, 39 tuổi, vào năm 1994, cùng với 5 người khác, đã giết một đôi vợ chồng trẻ và làm bị thương một cháu bé 2 tuổi. Bốn người kia đều bị sa lưới, riêng Xu đã tìm cách trốn thoát và náu mình trong những ngôi chùa ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Cuối cùng, sau hơn 17 năm, Xu cũng bị bắt trong hình thức một Tăng sĩ tại một ngôi chùa ở Hàng Châu. Xu cho biết, kể từ vụ giết người, suốt từng ấy năm trời không đêm nào Xu ngủ ngon và phải trải qua nỗi hoảng sợ, lo lắng triền miên. “Tôi đã chờ ngày này 17 năm nay và giờ tôi cần thoát khỏi sự giày vò của lương tâm”, China.org dẫn lời Xu. Do chưa có tiền án và thành khẩn nhận tội sau khi bị bắt, Xu tuy bị kết án tử hình song cho hoãn 2 năm.
Rõ ràng, cách giật title trên của các trang tin gây không ít hoang mang, ngộ nhận - như thể “một nhà sư giết người”. Ở đây, việc Xu giết người và đền mạng là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng nếu Xu không bị bắt trong hình thức Tăng sĩ thì có lẽ tin tức chỉ lan truyền trong phạm vi địa phương chứ khó có thể mang tính “toàn cầu”. Vấn đề đáng nói ở đây là việc quản lý nhân sự có phần lỏng lẻo của Phật giáo Trung Quốc khiến cho một người phạm pháp được xuất gia và tham dự vào sinh hoạt Tăng-già (khi bị bắt, Xu đang trụ trì 2 ngôi chùa địa phương với pháp danh Weidi), khiến cộng đồng Tăng bị ảnh hưởng ít nhiều. Theo luật định, người phạm pháp không được xuất gia; nếu gian dối tham dự lễ thọ đại giới thì cũng không thể đắc giới để trở thành vị Tỳ-kheo đúng nghĩa.
Chuyện thứ hai, một vị sư hoàn tục cưới vợ (có trang tin giật title là “Một nhà sư lấy vợ”!). Chuyện này cũng diễn ra tại Trung Quốc. Vào hôm 9-6, sư Thanh Hiền, ngoài 40 tuổi, trụ trì chùa Cung Trúc - Côn Minh đã lặng lẽ rời chùa, đến Hiệp hội Phật giáo tỉnh Côn Minh để báo về việc hoàn tục. Đến ngày 17-6, Thanh Hiền đã tổ chức lễ cưới công khai tại một khách sạn ở Côn Minh với cô gái 26 tuổi, chủ một cửa hàng đá quý. Buổi lễ có khoảng 300 khách mời tham dự. Khi được hỏi, vị Trưởng lão cao niên nhất chùa Cung Trúc xác nhận vụ việc này là có thật. Hòa thượng cho biết: “Tôi là người đầu tiên biết tin phương trượng Thanh Hiền hoàn tục kết hôn. Phật giáo quy định 3 trường hợp không giữ người: đó là hoàn tục, xin học, du ngoạn. Tâm của phương trượng Thanh Hiền đã không còn ở chùa thì cũng nên hoàn tục”. Ngài nói thêm: “Chúng tôi không quan tâm những việc của người đã hoàn tục, đó là việc riêng của họ”.
Quả thực, đây là tin gây xôn xao dư luận Trung Quốc, được nhiều tờ báo đăng tải. Các trang tin điện tử ở Việt Nam cũng sớm chuyển tải thông tin này đến bạn đọc và nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trong đó không ít bạn đọc đồng cảm với Thanh Hiền, họ cho rằng: nếu không còn duyên tu hành thì cũng nên hoàn tục một cách danh chính ngôn thuận; bên cạnh đó cũng có một số ý kiến không đồng tình, thậm chí mai mỉa!
Với nhiều nước Phật giáo Bắc truyền, nhất là tại châu Á, việc một nhà tu hoàn tục thường gây ít nhiều dị nghị. Nếu vị sư đó có uy tín và giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội thì sự dị nghị càng tăng thêm. Trong khi đó, với Phật giáo Nam truyền - điển hình như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và cộng đồng Phật giáo Khmer Việt Nam - việc một vị sư hoàn tục, cho dù vị đó đang trụ trì đi nữa, cũng là điều hết sức bình thường, thậm chí còn được trân trọng hơn so với những người chưa từng xuất gia tu hành. Điều đó dĩ nhiên xuất phát từ quan điểm cộng đồng, song thiết nghĩ dù ở cộng đồng nào thì cũng cần nên chia sẻ.
Chuyện thứ ba, một số vị sư uống rượu, đánh bạc. Vụ việc xảy ra tại Hàn Quốc vào tháng 4-2012 và bị tố giác vào ngày 10-5-2012. Sáu vị sư thuộc thiền phái Tào Khê (Tào Động), tông phái lớn nhất ở Hàn Quốc, chơi bài poker và uống rượu tại một khách sạn sang trọng trong suốt nhiều giờ. Vụ việc đã được ghi hình và phát sóng trên đài truyền hình Hàn Quốc, gây dư luận bất bình và khiến nhiều Phật tử thất vọng. Trưởng lão Hòa thượng tông phái Tào Khê đã phải lên tiếng xin lỗi dân chúng và Phật tử xứ Hàn.
Việc này thiết nghĩ không có gì phải bàn, vì hẳn nhiên những vị sư này không những vi phạm giới luật mà còn vi phạm pháp luật (tại Hàn Quốc, đánh bài bên ngoài những sòng bài có đăng ký kinh doanh là phạm pháp). Điều này không chỉ gây lãng phí (thời gian, sức khỏe, tiền bạc) mà còn làm tăng trưởng lòng tham - điều mà Đức Phật thường xuyên nhắc nhở các đệ tử phải luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác.
Nghĩ về những người khoác áo cà-sa
Người đời nhổ ngó, bẻ hoa, làm ngã rạp thân sen âu cũng là chuyện thường tình; nhưng người tu chỉ ngửi hương sen thôi cũng có thể bị quở trách. Người tu hành, do đó, phải dè dặt trong từng hành vi, cử chỉ, không thể so bì với người thế gian. Có những việc người thế gian làm được nhưng người tu không làm được; dĩ nhiên, việc phạm pháp thì người tu càng phải tránh như tránh lửa dữ, giặc thù. Đơn giản vì người tu hành khoác áo cà-sa, tấm áo được ví như mảnh lụa trắng, chỉ cần một hạt bụi hay một vết mực dính vào thì đã có thể nhận rõ ràng vết bẩn. Khoác áo tu hành tức “làm dâu trăm họ” là vậy.
Trong 3 câu chuyện “gây xôn xao dư luận” nói trên, 2 chuyện đầu, người gây ra vụ việc lúc đó chưa phải là người tu hành, hoặc không còn là người tu hành nữa; tuy nhiên, dù sao họ cũng đã/sẽ khoác áo cà-sa, nên cộng đồng quan tâm, soi xét hơn người thường tình. Còn câu chuyện thứ 3, nhân vật gây ra lỗi là những người tu hành thực sự, cho nên ảnh hưởng không tốt đến Tăng đoàn là điều hiển nhiên. Những vị này cần phải được yết-ma xử lý trong Tăng, sau đó chịu sự xử lý của pháp luật.
Người khoác áo cà-sa, được thọ và đắc giới, trở thành thành viên Tăng, can dự vào Tăng đoàn, thì tất cả những việc làm của họ đều có những ảnh hưởng nhất định đến danh dự của Tăng đoàn. Bản thể Tăng-già là thanh tịnh, hòa hợp; các thành viên Tăng phải sống theo những nguyên tắc, luật định chi phối đến đời sống Tăng. Những ai đi ra ngoài những nguyên tắc, luật định ấy là tự loại mình ra khỏi sự thanh tịnh, hòa hợp, không còn xứng là một thành viên Tăng nữa.
Có thể thấy rằng, ở nơi nào mà tín đồ Phật tử nương tựa vào Tăng-già để tu tập thay vì nương tựa vào từng vị Tăng riêng lẻ, thì ở nơi đó sẽ có nhiều sự lợi ích, an lạc, vững chãi. Một thành viên Tăng, nếu chưa phải bậc Thánh, thì dù được xem là hoàn thiện đến đâu cũng còn ít nhiều khiếm khuyết. Nếu người nào chỉ biết dựa vào một hoặc một vài vị Tăng để tu tập (thường là những vị trụ trì hoặc những bậc trưởng lão), thì khi phát hiện ra những khiếm khuyết nơi vị thầy của mình, người đó sẽ dễ sinh tâm thất vọng và có thể sẽ mất phương hướng khi vị thầy đó hoàn tục. Ở câu chuyện trên, dù phương trượng Thanh Hiền có hoàn tục, thì sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng tại trú xứ đó vẫn nguyên vẹn. Trụ trì là một chức vụ do Tăng chúng đề bạt; vị trụ trì cũng là một thành viên Tăng, bình đẳng trong giới luật so với những vị Tăng khác. Nếu vị ấy hoàn tục, không còn là vị Tăng, thì vị ấy cũng phải nên giữ gìn nếp sống đạo đức của một người Phật tử thuần thành. Thiết nghĩ, người Phật tử cần nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này để tránh việc đánh mất niềm tin vào Tam bảo.
Việc cộng đồng “soi xét” kỹ lưỡng những người khoác trên mình tấm áo cà-sa không chỉ xảy ra ngày hôm nay, mà tự ngàn xưa, bắt đầu từ khi có sự xuất hiện hình bóng của những người được xem là mô phạm, hiện thân cho bộ mặt đạo đức của xã hội. Một khi bị cộng đồng xã hội lên án, quở trách - cho dù là những việc rất nhỏ đi nữa - thì những người tu hành cũng không xem đó là sự “bất công”, mà thay vào đó, nên cảm ơn những người đã quở trách mình, như những lời nhắc nhở, cảnh tỉnh - giống như vị Tỳ-kheo trong câu chuyện “trộm hương” vậy.
Quảng Kiến
1. Muốn biết thêm thông tin, xin mời quý vị tìm kiếm trên mạng Internet với những từ khóa như trên. 2. Kể theo các kinh Trường A-hàm, tiểu kinh Bát-đàm-ma; kinh Tiểu bộ, Jataka 392 - chuyện Củ và hoa sen (tiền thân Bhisapuppha); kinh Tương ưng bộ, chương IX - Tương ưng rừng, mục XIV - Sen hồng hay sen trắng. Chuyện “vị Tỳ-kheo trộm hương” trong các bộ kinh trên có ít nhiều khác biệt về mặt tình tiết, nhân vật; chúng tôi chọn cách thuật lại theo lối kết hợp, chọn lọc.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Mười hai cách tạo nghiệp tốt


Đạo hữu Lillian Too, nhà phong thủy nổi tiếng thế giới, đã viết hơn tám mươi cuốn sách về đề tài này, và bà cũng đã cho xuất bản tạp chí Feng Shui World (Phong Thủy Thế Giới) phát hành hai tháng một kỳ.

























Mới đây bà đã mở rộng công việc xuất bản của mình với số đầu tiên là Mahayana (Đại Thừa Phật Giáo), tạp chí trình bày truyền thống Đại Thừa Phật Giáo Tây Tạng như phương châm " vì lợi lạc cho quần sanh". Mahayana đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi người tại quê hương của bà ở Singapore vào cuối năm ngoái. Bài viết sau đây là một phần nhỏ mà Tạp chí Mandala đã trích đăng từ tập sách của bà với tựa đề 108 Phương cách tạo nghiệp tốt.
Theo giáo lý nhà Phật, luật nhân quả được giải thích rằng mỗi sự việc xảy ra sẽ có một sự kiện khác đi theo sau đó. Hệ quả xảy ra có an lạc, hạnh phúc hay khổ đau, khó chịu, có lợi hay có hại cho người khác và cho chính mình, tất cả đều tùy thuộc vào nguyên nhân ban đầu của hành động đó. Luật nhân quả dạy rằng gieo gió sẽ gặp bão, trồng cam sẽ được quả ngọt, trồng chanh ắt phải hái trái chua, đem niềm vui đến cho người, mình sẽ được hạnh phúc, gây khổ đau cho người, mình sẽ chịu sự bất hạnh. Người ta không thể thoát khỏi nghiệp quả của mình một khi chính mình đã gây tạo. Có nhiều cách tạo ra nghiệp tốt để hóa giải đi những nghiệp xấu mà chính mình đã cố ý hay vô tình gây ra trước đó. Bài viết này xin cống hiến 12 cách mà bạn có thể làm được ngay trong kiếp này để đời sống của bạn thay đổi.
1. Hãy lấy từ bi làm tôn giáo của mình
Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là theo tôn giáo hay mộ đạo. Người ta không cần phải là một tín đồ Phật giáo hay thuộc về tín ngưỡng nào đó để có thể tạo nghiệp tốt. Con người chỉ cần thể hiện thái độ tử tế ân cần với người khác. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nhắc nhở: “Tôn giáo của tôi là lòng từ bi”.
Như vậy đã tạo nghiệp tốt rồi, không phải chỉ tử tế với người khác trong chốc lát mà phải luôn luôn, suốt cuộc đời của mình, trong mọi phương diện của đời sống, trong mọi mối liên hệ, trong mỗi công việc làm, trong tất cả những giao tiếp; Khi chúng ta tiếp cận một việc gì mình làm, được thể hiện tấm lòng từ bi, thì khi đó chúng ta đang tạo nghiệp tốt, và đó là loại nghiệp tốt tạo ra hệ quả mà tất cả mọi người khác đều tử tế với mình. Đó là phương cách chắc chắn nhất để gây dựng cuộc đời mà trong đó những phiền não khổ đau sẽ tiêu tan.
2. Trì chú
Trì chú là việc làm cơ bản và dễ nhất cho hành giả tu theo Mật tông để bắt đầu đi trên con đường mở ra những chân trời mới cho tâm trí. Trước hết trì chú là cách thức mạnh nhất để thanh lọc những ác nghiệp mà chúng ta đã mang tới trong thế gian này với mình từ quá khứ. Nghiệp quả xấu vẫn còn ở trong thần thức của mỗi người, dòng tâm thức mà chúng ta mang theo từ kiếp sống quá khứ.
Chúng ta hãy bắt đầu với thần chú nổi tiếng nhất thế giới, đó là tâm chú của Bồ-tát Quán Thế Âm "Án Ma Ni Bát Di Hồng" (Om Mani Padme Hum). Khi trì thần chú này, hãy tập trung vào âm thanh của chú và để âm thanh thâm nhập vào tận tâm thức của mình. Luôn luôn trì chú với ý tưởng mang lợi ích đến cho người khác. Không bao lâu, chúng ta sẽ thấy kết quả với những lợi ích tuyệt vời thâm nhập qua tâm thức của mình.
Chúng ta sẽ sớm cảm thấy mình trở nên dễ thương hơn, khoan dung hơn, bớt bối rối hơn và trở nên bình tĩnh hơn. Nhiều vị Lạt Ma cao cấp nói rằng trì thần chú "Án Ma Ni Bát Di Hồng" có thể đưa chúng ta đến giác ngộ. Đây là một trong những thần chú có nhiều oai lực nhất mà chúng ta có thể hành trì hàng ngày.
3. Niệm Phật
Một các thức mạnh mẽ không ngờ để giải trừ những ác nghiệp là niệm danh hiệu Phật và lễ Phật sám hối. Trong khi niệm Phật chúng ta phát khởi ý nghĩ sám hối về những nghiệp xấu đã tạo ra trong những kiếp trước và ngay trong kiếp sống này.
Niệm Phật thành tâm, nhờ tha lực của chư Phật cùng với sự tự lực của bản thân sẽ giúp cho những bất thiện nghiệp của chúng ta tiêu tan dần theo năm tháng. Chúng ta phát tâm quy ngưỡng Phật, tôn kính Phật, lễ Phật và niệm danh hiệu Phật là pháp tu phổ thông để tội diệt phước sanh, là phương pháp rất mạnh mẽ để hóa giải những chướng ngại gây ra phiền não khổ đau cho chúng ta trong đời sống này.
4. Thực hành thiền quán
Mấy năm trước khi gặp Thầy Bổn sư của tôi là Lạt Ma Zopa (lãnh đạo tối cao của Hội Bảo tồn Truyền thống Phật giáo Đại thừa, fpmt.org), tôi thỉnh ngài hướng dẫn tôi ngồi thiền, tôi trình với ngài rằng: "Lúc nào con cũng cảm thấy u uất trong lòng , xin Thầy hướng dẫn con tập thiền để tâm con được an tĩnh". Thầy Zopa cười nhẹ và nói: " Tham thiền là pháp tu tuyệt vời. Thiền không phải chỉ để tâm trí an tĩnh thôi đâu, mà thiền còn có mục đích cao hơn nữa con ạ".
Ngài vắn tắt giải thích rằng: Thiền định hay sự phát triển tâm linh, hay sự quán chiếu về khổ đau, vô thường và vô ngã. Tham thiền là cách làm cho tinh thần tập trung, thanh thản và trong suốt như dòng sông nước trong mà người ta có thể nhìn thấy tận đáy, từ đó ý thức biết được sự thể nghiệm về giải thoát và giác ngộ.
Tham thiền cũng là quá trình tập trung và thâm nhập, nhờ đó mà tâm chúng ta được an tĩnh và nhất tâm bất loạn rồi đi đến giác ngộ. Nên hiểu rằng thiền là sự nhận chân ra năng lực tâm linh mới để có thể phán đoán sự vật trên quan điểm mới, với mục đích là dứt khoát lật đổ ngôi nhà giả tạm mà mình đang có để dựng lên cái khác trên nền móng hoàn toàn mới. Mái nhà cũ gọi là vô minh khổ đau, ngôi nhà mới được gọi là giác ngộ giải thoát. Đó là đích đến của mọi hành giả tu theo đạo Phật.
Về căn bản, hành giả ngồi trên tấm nệm với hai chân khoanh lại, lưng thẳng, hai mắt hé mở, nhìn khoảng một thước về phía trước và bắt đầu thở đều hòa. Suy ngẫm và tập trung vào lý do hành thiền, động cơ ngồi thiền của mình, đó là phát tâm làm lợi ích cho chúng sanh. Xem động lực vị tha này là nền móng của việc tham thiền. Từ đó trở đi hành giả có thể quán tưởng về bất cứ đề mục nào liên quan đến việc phát triển sự hiểu biết về đời sống của mình.
Khi quán tưởng như vậy, hành giả nhẹ nhàng suy ngẫm về sự quý báu của đời người và sự may mắn là mình đã được sanh ra làm người, được sống, được gặp chánh pháp như hôm nay. Hành giả sẽ nhận thức rằng chỉ riêng việc sinh ra làm người đã là một may mắn rồi, vì mình có khả năng phân biệt, hiểu biết và suy nghiệm nghĩa lý sâu xa của Phật lý, để rồi biết tu tập để giải thoát vòng sinh tử khổ đau.
5. Nhường đường khi lái xe

Đã không ít tai nạn chết người xảy ra khi người lái xe giành đường, do vậy khi người Phật tử chạy xe trên đường phải giữ chánh niệm và biết rằng đây cũng là cơ hội cho ta tạo nghiệp tốt. Nhường đường cho người khác là chúng ta chạy chậm lại khi có người muốn vượt lên trước mình, dằn cảm giác khó chịu xuống hay không bóp kèn khi có người quẹo xe ẩu hoặc thậm chí đụng phải xe của mình. Những phiền não như vậy trong việc giao thông là những cơ hội cho ta đào luyện tâm trí với nụ cười hoan hỷ trong bình tĩnh.
Chúng ta cũng có thể nhường đường cho người khác ngay cả khi mình có quyền ưu tiên. Khi không có ý tưởng xem con đường là nơi tranh chấp giữa mình và những người lái xe khác, việc giao thông của chúng ta sẽ thú vị hơn nhiều và mỗi lần nhường đường cho người nào, chúng ta sẽ rất vui lòng vì biết rằng việc kềm chế tánh dễ nổi nóng của mình và đây cũng là một cách để tạo nghiệp tốt mà kết quả có về sau là đời sống của mình luôn gặp mọi sự hanh thông và may mắn.
6. Dành phần thắng cho người khác và chấp nhận thua thiệt
Khi nhường nhịn người khác, chúng ta nhiếp phục được sự tự ái của mình, và không thể để cho tự ngã của mình nghĩ đến những điều vị kỷ. Khi chấp nhận thua thiệt, sẽ là cơ hội cho ta diệt trừ tính kiêu ngạo. Pháp tu đặc biệt hữu dụng khi hoạt động trong thế gian vật chất hay trong cách cư xử với người khác trong công việc. Khi làm việc gì quan trọng hay phải làm xong một việc nào đó trước thời hạn, sự căng thẳng thường phát sinh giữa mình và người khác, và đó là lúc người ta nghĩ đến ảo tưởng thắng và thua, được và mất. Hãy xem đó là những cơ hội tạo nghiệp tốt.
Tôi nhớ có những lần tôi đã tranh luận một cách nóng nảy chỉ để biện minh cho quan điểm của mình, để rồi rốt cuộc tôi nhận ra rằng mình đã không chỉ gây ra phiền não cho mình mà còn làm cho người khác bực mình, khó chịu nữa.
Chỉ khi gặp được Lama Zopa và được học Phật, tôi mới học được phương cách đối trị tính háo thắng của mình. Tôi đã khám phá tính chất giải thoát của sự chịu thua thiệt, sự buông bỏ và sự không bị trói buộc vào tham vọng chiến thắng. Đó là lúc tôi nhận ra là mình đã cảm thấy an lạc nhiều hơn mỗi khi chấp nhận thua thiệt, nhường phần thắng cho người khác. Hành vi đầu hàng trước ý kiến hay quan điểm của người khác không phải là trốn tránh thảo luận, mà là một lối đồng ý với nhau rằng chúng ta không đồng ý kiến, và đồng thời vẫn tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ nhau. Khi làm như vậy, chúng ta đang tạo nghiệp tốt và tất nhiên bạn sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ tương tự của người khác trong tương lai.
7. Tránh sát hại những sinh vật nhỏ nhất
Người ta dễ dàng xâm hại đến sinh mạng của các loài vật, đặc biệt là những loài nhỏ nhất. Một hôm đang đi trên lề đường, tôi nhận thấy có nhiều con kiến bò ngang lối đi, tôi biết rằng nếu mình không có ý thức thì mình đã vô tình giết chết nhiều sinh mạng và như vậy chúng ta dễ dàng tạo ác nghiệp về sát sinh ngay trên mỗi bước chân của mình. Tôi cẩn thận không dẫm đạp lên những con kiến nhỏ bé này và tôi ngạc nhiên cảm thấy sự vui sướng rộn lên trong lòng của mình.aax
Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, ngay cả những con vật nhỏ nhất cũng có Phật tánh, nhưng vì kiếp này chúng vì nghiệp chướng nặng nề nên phải mang thân hình khác người, hiểu điều đó, nên ta cố gắng tránh sát hại một cách vô ý thức của chúng ta. Kết quả tránh sát hại sinh vật sẽ giúp chúng ta sống khỏe mạnh, không bệnh tật và tăng tuổi thọ về sau.
8. Phóng sinh
Phóng sinh là hành động cứu sống, công đức rất lớn, có thể giúp người làm việc này giảm bệnh tật và kéo dài tuối thọ ngay trong hiện đời. Mấy năm trước khi tôi đến thành phố Varanasi, Ấn Độ (nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên), trong chuyến hành hương với Thầy tôi, Lama Zopa. Ngài đã đưa chúng tôi đến thăm sông Hằng và hướng dẫn chúng tôi làm công đức. Chúng tôi ngồi trền thuyền cầu nguyện và thả cá xuống giòng sông.
Tôi có cảm giác tuyệt vời khi nhìn thấy những con cá tươi sống mà chúng tôi vừa mua từ những người dân chài ở gần đó, chúng quẫy đuôi nhảy trở lại nước sông và bơi lội tự do. Sau đó thầy tôi ghi câu thần chú trên một trái bong bóng rồi cột ở mạn thuyền để cho bong bóng chạm vào làn nước trong khi chiếc thuyền lướt đi. Ngài giải thích rằng bằng cách này để cho thần chú của Phật chạm vào làn nước để ban phước cho những loài vật sống dưới nước.
9. Cúng nước
Mấy năm trước khi gặp Thầy tôi, Lạt Ma Zopa lần đầu tiên, tôi thỉnh Ngài về nhà tôi. Ngài rất hoan hỷ khi nhìn thấy bức tượng Phật độc nhất mà tôi chưng trong phòng khách. Ngài bảo tôi lấy chén nước để ngài cúng bức tượng đó. Ngài dạy tôi cúng chén nước sẽ tạo nhiều công đức và là phương thức có oai lực lớn để hóa giải những nghiệp xấu về sân hận và những vấn đề khác còn tồn tại trong tâm trí của mình.
Tôi đã làm theo lời dạy của ngài mỗi ngày, và không bao lâu chúng tôi đã có hàng trăm chén nước trong nhà, chỉ vì thời gian qua tôi có thêm những tượng Phật mới. Tôi rất thích đi tìm những loại chén pha lê và việc thay nước mỗi buổi sáng đã trở thành một nghi lễ trong gia đình của tôi.
Qua thời gian, tôi cảm thấy những kết quả tốt, căn nhà của tôi đã trở thành một ốc đảo thấm đầy an lạc, và những chướng ngại trước đây trong đời sống của chúng tôi nay đã tan biến mất. Những sân hận cáu gắt, những trận cải vã vô nghĩa, nhỏ mọn thường phá sự yên tĩnh trong nhà chúng tôi, nay đã không còn nữa, những cơn nóng giận đã đi vào quá khứ. Thật là một điều kỳ diệu khi chúng ta cúng nước cho chư Phật.
10. Bố thí, đóng góp cho việc từ thiện
Hành động hiến tặng cho người khác là một cách thức tuyệt vời để tạo nghiệp tốt trong đời sống ngắn ngủi này. Bố thí là hạnh đi đầu của những ai muốn thực thi Bồ tát hạnh. Kết quả của hạnh bố thí là mình được giàu sang, phú quý về sau. Về phương diện tinh thần thì lòng tham lam, bủn xỉn của mình nhỏ dần lại và biến mất sau một thời gian mình thực hành việc bố thí.
Khi hiến tặng cho người cũng là lúc chúng ta gia tăng tích lũy thiện nghiệp xuất phát từ lòng từ bi. Mình luôn cho ra với tấm lòng quảng đại, vui vẻ, hoan hỷ không có bất cứ một điều kiện nào đi kèm, đó là bố thí đúng nghĩa với lời Phật dạy. Nếu bạn không có khả năng bố thí tiền bạc thì có thể bố thí thời giờ, công sức, sự hiểu biết hay tài năng của mình, để giúp cho đời sống này bớt khổ đau, tất cả những điều này cũng có giá trị ngang nhau với tiền bạc. Một khi động lực tinh truyền, không ý đồ mưu toan xen lẫn vào hành động bố thí thì bạn đã thành công phần nào đó trong công hạnh này rồi.
11. Nuôi cá cảnh
Khi viết những cuốn sách về phong thủy, tôi luôn đề nghị thân chủ nuôi cá cảnh để tạo lực thịnh vượng và sự mát mẻ trong gia tộc. Nhưng việc nuôi cá cũng có mục đích cao hơn về tinh thần. Mỗi buổi sáng khi cho cá ăn hoặc thay nước cho cá, đó là bạn đang tạo nghiệp tốt.
Thật vậy mỗi lần cung cấp thức ăn cho cá là bạn có niềm vui vì biết mình đang làm việc tốt. Những con cá không cần phải đẹp và hồ nước của cá cũng không cần phải có ý nghĩa phong thủy để làm động lực cho lòng từ bi của bạn phát sinh. Hãy nghĩ như vậy rồi những con cá sẽ mang đến cho bạn những niềm vui lớn trong đời sống này.
12. Sẵn lòng lắng nghe tâm sự của người khác
Khi có người nào tìm đến mình để tìm sự an ủi, chia sẻ hay để nương tựa vào bạn, vì họ không có người nào để tìm tới, bạn đừng xua đuổi họ, dù đó là người mà bạn chưa từng quen biết, dù bạn đang bận rộn, dù bạn không thích nghe người khác than thở. Bạn chỉ cần dành một chút thời gian cho họ. Hãy sẵn sàng làm bạn với cả những người xa lạ.
Dùng tinh thần mạnh mẽ của mình để giúp những người yếu đuối. Chia sẻ kinh nghiệm an lạc của mình với người khác, dù cho người ấy không quen thân với mình, làm được như vậy là bạn đang thực hành tốt lòng từ bi trong đời sống và cũng là người đang đi trên lộ trình hành Bồ-tát đạo.

Thích Nguyên Tạng dịch
Theo; DPNN