Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Vào chùa phải lạy ba cái trước Tam Bảo


Bất cứ ai khi đến chùa hay đứng trước bàn thờ Tam Bảo đều phải lạy ba cái. Đây là một nghi thức không thể thiếu đối với mỗi người con của Đức Phật.
 
Lạy để luôn xem Đức Phật còn tại thế
 
Lạy là nghi thức rất phổ thông trong dân gian, với Phật giáo thì ý nghĩa và cách thức lễ lạy khác với các đạo giáo khác. Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ và ngày xưa dân chúng thường bày tỏ lòng tôn kính chân thành đến một người nào đó họ ngưỡng mộ kính mến bằng cách quỳ xuống sát đất, đặt trán mình lên chân của vị ấy.
Đức Phật mặc nhiên chấp nhận cung cách này như là một tục lệ có từ lâu đời của xã hội Ấn Độ. Tuy vậy Ngài cũng không đặt thành nghi thức lễ lạy mà để tùy tâm các đệ tử.Đức Phật là bậc giác ngộ được tôn kính đặc biệt tại xã hội Ấn Độ. Riêng lúc Đức Phật còn tại thế, mỗi lần nghe pháp hay thưa thỉnh việc gì, chư Tăng thường chắp tay lạy ba lạy rồi thưa hỏi hay ngồi nghe pháp.
Sau khi Phật Niết Bàn, hình thức lễ nghi và sự tôn kính ấy vẫn được duy trì trong các hàng đệ tử của Ngài. Sự duy trì hình thức ấy với mục đích là luôn luôn xem đức Phật như còn tại thế.
Mặt khác theo cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu thì lạy Phật vì kính trọng đức hạnh cao cả, vì phục sát đất tâm lượng đại từ đại bi của đức Phật, trí huệ rộng lớn bao la của Đức Phật.
Do đó, chư Tăng mỗi khi tụng kinh ôn lại lời Ngài dạy, phải mặc áo cà sa tức áo mầu hoại sắc trang nghiêm, lạy Phật ba lạy. Hàng đệ tử tại gia cũng theo quý chư Tăng lạy Phật như thế.
Tuy nhiên, về cung cách lạy ở nhiều nước có sự khác nhau do phong tục và nền văn hóa như người Tây Tạng họ lạy nằm dài hết cả người xuống đất... Riêng Phật giáo Việt Nam thường lạy theo phương cách ngũ thể đầu địa (hai tay, hai chân và cái đầu đụng mặt đất - PV). Đây là một phương cách lạy tôn kính nhất trong tất cả các cung cách lễ lạy.
 
Thể hiện lòng biết ơn và niềm tôn kính với Tam Bảo
 
Theo giáo lý của đạo Phật thì ba cái lạy chính là lễ lạy ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng, có năng lực dẫn dắt con người thoát khỏi mọi phiền não và ra khỏi sinh tử luân hồi.
Đức Phật là người đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Ngài là một bậc đạo sư, một người chỉ lối dẫn đường cho mọi chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi. Vì thế người Phật tử lạy cái lạy đầu tiên là để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ và nhớ ơn Phật đồng thời là thề nguyện sẽ theo gương Ngài mà tu hành để về bến giác.
Pháp là những lời Phật dạy các đệ tử, sau đó được ghi bằng chữ, gọi là Kinh và Luật. Vì thế người Phật tử lạy cái lạy thứ hai là lạy Pháp Bảo nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến những lời dạy của Phật. Nếu những người con Phật thực hành theo lời dạy của Phật thì sẽ có công năng qua khỏi bể khổ, đến bến bờ giải thoát.
Tăng là một đoàn thể sống chung với nhau ít nhất là bốn người, bỏ nhà xuất gia đi tu, giữ đầy đủ giới luật của Phật đặt ra, với mục đích tu hành giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh. Vì thế cái lạy thứ ba là lạy Tăng Bảo, từ các vị Thánh Tăng xuất thế đến các vị Tỳ Kheo trụ thế tu hành chân chính, đạo đức trong sạch và giới luật trang nghiêm.
Ngoài ý nghĩa lễ lạy Phật, Pháp và Tăng nêu trên, ba cái lạy cũng còn mang ý nghĩa lễ lạy ba ngôi báu bên trong chúng ta và trong mỗi chúng sinh.
Vì chúng sinh cùng chư Phật đồng một thể tính sáng suốt (Phật tính - PV), đồng một pháp tính từ bi và bình đẳng (Pháp tính - PV) và đồng một đức tính thanh tịnh, hòa hợp (Thanh tịnh tính - PV).
Khi lạy phải tuân theo lời Phật dạy không được suy nghĩ gì cả. Chỉ theo dõi hành động và hơi thở của mình. Tâm phải ở trạng thái thanh tịnh, không tạp nhiễm.
Đồng thời phải quán chiếu được việc mình đang làm, lễ xuống thì chỉ biết là lễ xuống, đứng lên thì chỉ biết là đứng lên, chắp tay thì chỉ biết là chắp tay. Tuyệt đối không nghĩ đến bất cứ ai hay tưởng nhớ đến bất cứ cái gì. Như thế mới thể hiện lòng tôn kính với ba ngôi báu Tam Bảo.

(Bài viết có sử dụng tài liệu Phật học phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa)

Bùi Hiền
Kienthuc.net.vn

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Thái Lan: Tìm lại các giá trị của Phật giáo trong một xã hội vật chất...


Trong tháng 6, nhiều lễ kỷ niệm được tổ chức để kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật giác ngộ. Trong một hội nghị, hàng trăm Tăng Ni và Phật tử đã thảo luận về giá trị của tín ngưỡng và những thách thức trong xã hội hiện đại. Những rủi ro của toàn cầu hóa, việc thúc đẩy một hệ thống giáo dục có khả năng hình thành những công dân tốt.
Đi ngược lại với chủ nghĩa vật chất đang phổ biến trong xã hội hiện đại, những tìm kiếm hão huyền về tiền bạc, của cải thế gian và cuộc khủng hoảng tinh thần ngày càng lan rộng, Phật tử Thái cho rằng "con đường giác ngộ" được chỉ ra bởi "Đấng Giác ngộ" là cách duy nhất để tạo ra "một thế giới hòa bình”.
Cũng nhân dịp lễ kỷ niệm, các Phật tử muốn thúc đẩy các cuộc mít-tinh và các sự kiện nhằm tăng cường vai trò trung tâm của niềm tin và tôn giáo trong đời sống của dân tộc. Thái Lan, trên thực tế, trong những năm gần đây đã thúc đẩy một nền chính trị tập trung vào kinh tế, sự thành công của cá nhân, trong khi bỏ qua các yếu tố tâm linh và tôn giáo.
Các vụ scandal đã ảnh hưởng đến một vài tu viện, sự hòa hợp dân tộc và tình trạng học sinh bỏ học gia tăng. Đối với các nhóm và cá nhân đang tìm cách nâng cao giá trị của tôn giáo thì giáo lý của Đức Phật vẫn còn cần thiết cho hòa bình, sự hòa hợp quốc gia và quốc tế.
Từ ngày 4 đến 30-6 trên toàn Thái Lan, lễ kỷ niệm 2.600 ngày Đản sinh của Đức Phật đã được tổ chức. Vào ngày cuối cùng, phong trào "Vũ đài Quần chúng" đã mở một mít-tinh tại Trung tâm Phật giáo Buddhamondhol ở Bangkok với sự tham dự của hàng trăm người, bao gồm cả Tăng, Ni và Phật tử.
Trọng tâm của cuộc mít-tinh là thảo luận giá trị của tôn giáo trong quá khứ và hiện tại, cùng với những cách thức nhằm khuyến khích và thúc đẩy Phật giáo trong xã hội Thái Lan. Vai trò của trường học và các cơ sở giáo dục cần được tăng cường, thúc đẩy việc học giáo lý của Đức Phật trong học sinh và giá trị của Giáo pháp đối với cuộc sống đương đại.
Có khoảng 62,8 triệu người đang sống ở Thái Lan, trong đó 10 triệu người sống tập trung ở Bangkok. Gần 95% người Thái là Phật tử, 4% là người Hồi giáo (đặc biệt ở phía nam) và 1% theo Ki-tô giáo (khoảng 300.000 người). Vì lý do này, Thái Lan vẫn được coi là trung tâm tôn giáo của thế giới, với trên 33 ngàn tu viện và Tăng Ni trên khắp cả nước, ngay cả khi nó đang trong giai đoạn của cuộc khủng hoảng sâu về đức tin và việc thờ phụng.
Đối với nhà phê bình nổi tiếng Somchai Preeechasilp nguyên nhân nằm ở sự phát triển về vật chất, kết hợp với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra nghiêm trọng. Toàn cầu hóa, ông nói, đã đặt ra những thách thức đối với các nguyên tắc của Phật giáo, các giá trị và đạo đức mà mọi người nên sử dụng nhằm củng cố tâm linh.

Prapapatra Niyom, giám đốc Buddha Path School (BPS), giải thích rằng các thiết chế xã hội phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển tất cả các khía cạnh con người nơi mỗi học sinh như: vật lý, tâm thần, cảm xúc và xã hội. Cần phải phát triển hệ thống giáo dục mầm non cho trẻ nhỏ, với mục tiêu hình thành cho trẻ, những con người được giáo dục và đào tạo với một khả năng tốt nhất để đại diện cho tương lai của đất nước. Từ khi còn nhỏ, trẻ buộc phải đọc lời cầu nguyện vào buổi sáng, thiền quán về những lời dạy của Đức Phật ít nhất năm phút mỗi ngày và sử dụng đó một cách tối đa trong giải quyết các vấn đề hàng ngày.
Như trường hợp của em Saifon, mù từ khi mới sinh nhưng luôn muốn được "tỉnh sáng" bằng cách làm theo các điển hình của "Đấng Từ phụ". Hay một sinh viên cao đẳng tên là Yarnapatra Yodkaew luôn luôn ghi nhớ 3 đức tính của một người Phật tử, đó là: giữ gìn những lời dạy của Đấng Giác Ngộ, tìm kiếm sự an tĩnh trong thiền định và trí tuệ để hiểu con đường phía trước khi giải quyết một vấn đề hoặc một thách thức.

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Cách xử thế của người xưa



Kinh Phật có câu “tướng tự tâm sanh” tức dáng vẻ, dung mạo bên ngoài của mình từ nội tâm ở bên trong lưu xuất. Nếu trong lòng vui vẻ, thảnh thơi thì nét mặt sẽ tươi tắn, lạc quan; nếu lo nghĩ, buồn bực thì sẽ mang gương mặt ão não, u sầu; nếu muốn bố thí, giúp đỡ người khác thì biểu lộ phong thái tự tin, độ lượng, bao dung; nếu khởi tâm tham lam, muốn trộm cắp thì cử chỉ lấm lét, dò xét v.v… Nên để chỉnh đốn hành vi, ngôn ngữ phải uốn nắn từ nơi cái tâm khi hành vi và ngôn ngữ mới manh nha, chưa kịp hình thành.
Có câu chuyện kể rằng: “Xưa, có một chú học trò được dịp lên phố chơi. Nhằm ngày chợ phiên, một vụ mất cắp xảy ra tại quán trọ, chú học trò liền bị quan huyện bắt nhốt vì người ta ngờ chú là thủ phạm.
Sau khi trải qua những thủ tục tra hỏi phiền phức, quan huyện tìm ra thủ phạm, chú học trò được thả về.
Khi về làng, gặp thầy và bè bạn, chú nhỏ tức tưởi kể lại sự việc, bộc bạch nỗi hàm oan của mình.
Vị thầy im lặng nghe xong câu chuyện, nghiêm nghị ra lệnh phạt đệ tử mười roi. Ðương sự rất ngạc nhiên nhưng không dám cãi lời thầy, líu ríu leo lên bộ ván nằm chờ trận đòn mà lòng hoang mang vô kể. 
Các bạn chú thấy thế, ngạc nhiên thưa:
- Thưa thầy, trò này vô tội sao lại bị đòn?
Vị thầy từ tốn giải thích:
- Đành rằng trò ấy vô tội, nhưng tại sao giữa phố chợ đông đảo chỉ mình nó bị tình nghi là kẻ cắp? Ta phạt cái tội nó có bộ vó của thằng ăn cắp để cho người ta nghi ngờ. Nếu trò ấy không chỉnh đốn tư cách lại, ta e rằng nó sẽ bị hàm oan nhiều lần nữa”.
Những nỗi hàm oan xảy ra cho mọi người khá nhiều. Thường thì ta tìm cách minh oan hay truy lùng cho ra kẻ đã nhẫn tâm vu oan giáng họa cho mình mà ít ai nghĩ rằng một trong những nguyên nhân quan trọng của hàm oan là chính mình. Vì thế, để chia sẻ hàm oan với học trò, vị thầy đã tặng đệ tử đến mười roi.

Mới hay, người xưa dạy người rất chú trọng đến cái tâm, lấy tâm làm nền tảng để giáo dục, uốn nắn con người. Hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng nhưng nội tâm mới là yếu tố quyết định. Giáo dục một con người trở nên hoàn thiện phải từ nơi chính tâm sau đó mới tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Cây có ngay thì bóng mới thẳng, phải đào tạo thế hệ kế thừa có tâm hồn trong sáng và cao thượng mới có thể mong hình thành nên nhân cách lớn, làm nguyên khí của quốc gia, nhân tài cho đất nước.
Ngày nay, chúng ta tự hào với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến nhưng quá chú trọng đến khoa học thực tiễn và xem nhẹ thậm chí lãng quên giáo dục đạo đức và tâm linh. Một khi thước đo giá trị của xã hội nghiêng nặng về sự thành đạt các sự nghiệp vật chất có tính hình thức bên ngoài hơn là những giá trị nhân văn, đạo đức và tâm linh thì đất nước có nguy cơ đối diện với nhiều hiểm họa.
Vị thầy đồ quê mùa ngày xưa đã cung hiến cho chúng ta một phương thức giáo dục “phạt cái tội nó có bộ vó của thằng ăn cắp” nhằm uốn nắn cái tâm, chỉnh đốn tư cách của học trò phải chăng là điều mà các nhà giáo dục hiện đại cần suy gẫm và học hỏi!
Quảng Tánh

Suy ngẫm về danh dự


Khi xem danh lợi là điều nhất quyết phải đạt được bằng mọi cách thì ta không có được hạnh phúc, an lạc. Vì không có an lạc nên ta mới tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài, ở phía ngũ dục và danh lợi. Ta không khác gì con thiêu thân lao vào lửa danh lợi để tận hưởng cảm giác sung sướng nhất thời rồi tự chết bằng chính ngọn lửa danh lợi đó.
image
Không phải ta không biết chạy theo danh lợi là sai, là đau khổ. Nhưng vì ta không có hạnh phúc thật sự và nhu yếu được đứng trên đầu thiên hạ trong ta quá lớn nên ta đành phải làm nô lệ cho danh lợi...
Tiếng khen, địa vị, lợi dưỡng luôn là điều mà ai ai cũng muốn có. Dường như đã trở thành một niềm vui thú vị của con người dù biết rất rõ khi đạt được, phần lớn ta mất tự do, bị nó chi phối, đau khổ. 
Người tu, tiêu chuẩn mà người đời thường đặt cho, trước nhất phải là người buông bỏ danh lợi. không theo quyền hành, chức tước. Nhưng không phải người tu nào cũng có thể thực hiện tiêu chuẩn đó. Nếu ta không dành thời gian để quán chiếu, chiêm nghiệm cũng như nhìn sâu vào bản chất của danh lợi thì dứt khoát sẽ là nô lệ của nó.
Là một học Tăng nhưng tôi cũng là một học sinh. Khi đóng vai trò của một học sinh, dù muốn hay không, tôi cũng bị lôi vào vòng thắng thua bởi tài năng của tôi có phần trội hơn chúng bạn. Rồi những cuộc thi học sinh giỏi khiến tôi lao tâm không ít. Không chỉ tốn thời gian và sức lực cho việc “văn ôn, võ luyện” mà tôi còn bị chi phối, kéo vào vòng xoáy hơn thua với những học sinh có năng lực hơn. Điều này làm tôi đau khổ rất nhiều, vì tôi đã phụ lại chí nguyện xuất gia ban đầu cũng như đánh mất tiêu chuẩn căn bản của một người tu: buông bỏ danh lợi. 
Khi xem danh lợi là điều nhất quyết phải đạt được bằng mọi cách thì ta không có được hạnh phúc, an lạc. Vì không có an lạc nên ta mới tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài, ở phía ngũ dục và danh lợi. Ta không khác gì con thiêu thân lao vào lửa danh lợi để tận hưởng cảm giác sung sướng nhất thời rồi tự chết bằng chính ngọn lửa danh lợi đó. Không phải ta không biết chạy theo danh lợi là sai, là đau khổ. Nhưng vì ta không có hạnh phúc thật sự và nhu yếu được đứng trên đầu thiên hạ trong ta quá lớn nên ta đành phải làm nô lệ cho danh lợi. Vì thế, ta khẳng định có hạnh phúc hay không chính là mấu chốt của việc ta có chạy theo hay buông bỏ được danh lợi. 
Tuy nhiên, ta rất dễ lầm việc chạy theo danh lợi và phát triển năng lực của cá nhân. Khi tranh tài với các học sinh tại các kỳ thi học sinh giỏi, bắt buộc tôi và những học sinh khác phải ra sức rèn luyện, nỗ lực học tập không ngừng nhằm đạt được kết quả cao nhất và giật được những giải nhất, nhì, ba là cái đích mà chúng tôi hướng tới. Việc treo giải như thế có tác dụng kích thích học sinh gia công học tập và nhờ đó, năng lực, tài năng của học sinh được nâng cao, phát triển. Đó là tác dụng của những kỳ thi học sinh giỏi. Nhưng hầu hết, tất cả những học sinh tham gia các cuộc tranh tài đều không nghĩ như thế. Họ hướng ngoại, quyết đạt được giải, quyết hơn những học sinh trường khác và rồi những tâm niệm danh lợi có dịp bùng phát. Và luôn luôn, họ viện cớ tham gia các kỳ thi học sinh giỏi để khẳng định bản thân, phát triển năng lực, nhưng thực chất là thỏa mãn danh lợi. 
Không chỉ nhầm lẫn việc phát triển cá nhân, ta cũng thường che lấp tâm danh lợi bằng nhiều mục đích khác. Người Phật tử làm việc phước thiện cốt để được tiếng thơm, để được quý thầy, các sư cô khen ngợi, người đó đang vướng vào danh lợi. Các thầy, các sư cô nếu xem chuyện giảng kinh, thuyết pháp, công tác Phật sự là nơi khẳng định bản thân, để thiên hạ biết về tài năng của mình, đó không còn là Phật sự nữa mà là Ma sự. Bởi lẽ, tâm danh lợi, hơn thua đã chi phối toàn bộ các hoạt động đó. Và công tác Phật sự chỉ là cái cớ để ta thỏa mãn cái bản ngã, tâm danh lợi không hơn không kém của mình. 
Làm thế nào để biết ta đang vướng vào danh lợi? 
Không có hạnh phúc, an lạc, không có tình thương, hiểu biết thì ta đang vướng vào vòng danh lợi. Trong nhà không có hạnh phúc, chắc chắn ta sẽ đi tìm những thú vui bên ngoài. Cũng thế, trong tự thân không có hạnh phúc, không có pháp lạc thiền duyệt bằng sự tu tập chánh niệm, tỉnh thức thì ta sẽ hướng ngoại để tìm những niềm vui thế gian vô thường nhằm khỏa lấp, trốn tránh những khổ đau trong tự tâm. Và danh lợi cũng như các món dục khác luôn là những thứ cám dỗ có thể khiến ta “táng thân, thất mạng” trong tích tắc.
Khi vướng vào danh lợi, ta bị cuốn vào trong vòng xoáy của hơn thua. Một khi đã ở trong vòng xoáy đó, nhất định ta luôn có sự căm thù, ganh ghét, phân biệt. Tâm thức đầy tràn những tâm hành tiêu cực có thể dẫn ta đến chuyện oán hận, bạo động. Ta hoàn toàn đánh mất tình thương trong mình. Thắng thua chỉ là thước đo trong cuộc chơi. Nhưng trong cuộc đời, thắng thua không có chỗ đứng. Tình thương giữa người và người, lòng hiểu biết giữa tâm hồn và tâm hồn mới là điều quan trọng nhất. Có tình thương trong trái tim, ta là người tự do, danh lợi không có chỗ đứng. Mất tình thương trong người, ta là người danh lợi. 
Đó là dấu hiệu đầu tiên và cũng là dấu hiệu quan trọng nhất để đánh giá ta có chạy theo danh lợi, bị danh lợi nhấn chìm hay không. 
Danh lợi là một khúc xương khô và kẻ danh lợi, nếu nói thẳng, không khác gì một con chó đói. Con chó chạy theo khúc xương khô và cứ thế gặm nhấm mãi mà vẫn không thấy no. Nhưng con chó vẫn tiếp tục nhai khúc xương. Vì lẽ, làm như thế cơn dãi dịch tiết của nó được thỏa mãn chút phần.
Đó là hình ảnh mà Đức Phật dùng để ví dụ cho người chạy theo ái dục cũng như danh lợi. Khúc xương khô, trong trường hợp này là danh lợi. Chỉ cần nhìn tâm thức trong một ngày, ta có thể biết mình có vướng vào danh lợi hay không. Ta như con chó đói khát gặm khúc xương khô trong ví dụ của Đức Phật. Những suy nghĩ, tư duy của ta lúc nào cũng có khuynh hướng mơ tưởng về tiếng thơm, lời khen. Ta khao khát được thể hiện tài năng trước đám đông. Ta muốn thiên hạ biết về mình bằng một ánh mắt kính trọng, nể phục. Ta hoàn toàn giao phó thân mạng, tâm thức mình cho những hình ảnh đẹp mà đầy hư ảo đó để rồi đê mê một cách sung sướng. Rõ ràng với một tâm hành như thế, ta là một người chạy theo danh lợi. 
Kẻ chạy theo danh lợi, quyền bính, bao giờ cũng muốn đứng trên đầu thiên hạ và không bao giờ chấp nhận mình là kẻ đến sau. Hẳn nhiên, y không bao giờ muốn gần gũi những kẻ mà y cho là thua kém, không xứng tầm với mình. Do đó, nếu thấy ta không thể gần gũi hoặc khó chịu khi thấy những người thấp kém hơn về một phương diện nào thì ta đã là nô lệ cho danh lợi. 
Có những môn học tôi giỏi hơn chúng bạn ở đời cũng như những bạn đồng tu. Nếu tôi lấy cái giỏi đó làm thước đo để lựa chọn bạn cũng như phân biệt kẻ giỏi người dở, thì tôi là người chạy theo danh lợi. Đời sống của tôi được làm bằng chất liệu danh lợi. Vô hình trung, tôi là kẻ cô đơn, tự cho mình đứng cao hơn người để rồi phải sống trong thế giới chỉ có một mình, vừa là chủ vừa là khách. 
Ta còn phân biệt, phân chia, kỳ thị trên thước đo kẻ giỏi người dở tức là ta đang vướng vào danh lợi. Cũng vì tự cho mình hơn người nên người chạy theo danh lợi không có cơ hội học hỏi thêm nữa. Người tự do là người mỗi ngày luôn học được một điều mới, luôn có được những khám phá tuy nhỏ nhoi nhưng đầy ắp niềm phúc lạc của học hỏi. Người danh lợi cho mình hơn người nên đánh mất rất nhiều cơ hội học hỏi. Ta chỉ hơn người kia về một phương diện trong cuộc sống nhưng ở phương diện khác, ta làm sao có thể bằng? Nhân vô thập toàn, ta không thể nào hơn người ở tất cả các phương diện. Do đó, muốn nhận biết mình trở thành người danh lợi hay chưa thì hãy nhìn vào đời sống thường nhật của mình. 
Nếu thấy mỗi ngày ta luôn học hỏi từ mọi người ta gặp gỡ thì ta đang là một con người tự do. Nếu mỗi ngày, kiến thức ta vẫn thế, cái thấy của ta vẫn như cũ, ta không hề mở mang trí óc để biết thêm về thế giới thì ta là người danh lợi. 
Làm thế nào để biết ta đang bị danh lợi chi phối bằng những mục đích trá hình khác? 
Ta phải nhìn kỹ tâm của mình trong đời sống thường nhật. Làm phước thiện, Phật sự là điều rất tốt và nếu nghĩ tới những công tác đó, ta luôn thấy hình ảnh cá nhân được đề cao mà không nghĩ đến mục đích chính đáng của các công tác từ thiện thì những chuyện phước thiện, Phật sự đang là tay sai của danh lợi. Làm phước thiện mà nghĩ đến cảnh được chư tôn đức, các thầy, các sư cô khen ngợi biểu dương, hoặc đi thuyết pháp mà toàn nghĩ đến hình ảnh ngồi thuyết pháp sáng tỏa rực rỡ trong chúng hội thì đó là sự trá hình của danh lợi dưới hình thức là làm phước thiện, Phật sự. Ta không nghĩ tới mục đích chính của công tác đó là giúp cho người bớt khổ, tuyên dương chánh pháp để mọi người tu tập và chuyển hóa. 
Làm bất cứ việc gì mà ta luôn nghĩ đến cảnh mọi người biết đến mình bằng sự kính trọng thì ta đang bị danh lợi chi phối bằng những mục đích trá hình khác. 
Làm thế nào để thoát khỏi danh lợi? 
Căn cứ trên những nguyên nhân khiến ta trở thành người danh lợi thì ta sẽ biết cách thoát khỏi lợi danh. Sở dĩ người tu, kể cả xuất gia lẫn tại gia, vướng vào vòng danh lợi là vì người đó không tìm được niềm vui trong sự tu tập. Họ đang gặp vấn đề trong sự hành trì đối với pháp môn mà họ đang tu tập. Chính vì không có niềm vui trong sự tu tập nên họ hướng ngoại để tìm tiếng thơm, lời khen, tuyệt ảnh ảo để tìm những cảm xúc khoái lạc nhất thời thay thế cho niềm pháp lạc đã mất. Người tu, thoát khỏi danh lợi, không khó. Chỉ cần tìm được niềm vui ngay trong khi thực tập thì danh lợi không lôi cuốn ta được.
Hạnh phúc của người tu là gì? Đừng dài dòng, hạnh phúc của người tu là tu. Hạnh phúc của người xuất gia là gì? Chính là xuất gia. Do đó, ta phải nếm được pháp lạc trong khi tu tập, phải tận hưởng niềm hạnh phúc của sự thực tập, hành trì. Nhờ đó, ta có thảnh thơi, có tình thương. Đó là gia tài quý nhất của một người tu. 
Trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, Tổ Trúc Lâm Đại Sĩ có nói: “Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim” nghĩa là “người tu Phật yêu chuyện đọc kinh xem luận, cho nếp sống thanh thản còn quý giá hơn cả hoàng kim”. Đó là sự tự do của người tu và Thiền sư Nhất Hạnh bình luận rất sâu sắc: “Điều mà người tu phải thực hiện trước tiên là đạt tới sự thảnh thơi của tâm, điều đó còn quý hơn cả vàng, quý hơn cả bạc, quý hơn tất cả những thứ như công danh lợi dưỡng”. Ta có sự thảnh thơi, tình thương, hiểu biết trong ta hay chưa? Thực tập được tiêu chuẩn này là ta cũng đủ sức để thoát khỏi danh lợi. 
Ở trường học, tôi là một học sinh giỏi văn. Nhưng chưa chắc tôi giỏi toàn diện. Giỏi là giỏi cái gì? Và dĩ nhiên cũng có cái tôi không giỏi. Do đó, tôi luôn luôn đặt mình trong thế người học hỏi. Tôi chăm chú quan sát, lắng nghe tất cả những người tôi tiếp xúc. Tôi nhìn từng cử chỉ, từng hoạt động, cố gắng nhận biết rõ ràng tài năng cũng như khuyết điểm của họ để so sánh đối chiếu với tài năng của mình. Nhưng lạ một điều, những người tuy gọi là quá quen thuộc nhưng mỗi lần quán sát, lắng nghe họ, tôi vẫn thấy trong họ những điều hay hơn tôi mà tôi chưa hề biết. 
Luôn luôn đặt mình trong tư thế của người học hỏi đối với tất cả mọi người dù người đó yếu kém, thua thiệt ta về một phương diện nào đó là cách thoát khỏi danh lợi rất dễ thực tập và có nhiều hạnh phúc. 
Trong một cuộc đua, bao giờ ta cũng bị cuốn vào vòng hơn thu. Ta dễ có ác cảm với người tranh đua với mình. Và ta rất ngây ngô khi phủ nhận toàn bộ tài năng của họ. Vì ta cho họ là đối thủ của mình. Ta chỉ nhìn khuyết điểm của họ và đạp đổ tất cả tài năng trong họ. Nhưng với sự thực tập này, ta dễ dàng thoát ra khỏi vòng hơn thua đó. Và cuối cùng, ta đi vào trong thế giới của sự học hỏi điều tốt và gạn lọc khuyết điểm. Như thế, còn đâu hơn thua, mà một khi hơn thua không còn thì danh lợi chỉ là bọt nước thôi! 
Khi thấy mình thua kém người trong tư thế người học hỏi, ta rất dễ có thiện cảm với người đó. Ta rất dễ gần gũi họ hơn để hiểu thêm con người của họ. Ta có thêm rất nhiều người bạn và với bất cứ người bạn nào, ta cũng thấy trong họ một người thầy và ta luôn luôn phải học hỏi. Nhờ đó, ta sống trong khung cảnh của tình người, tình bạn và ta dễ dàng thoát khỏi sự phân biệt, chia rẽ của những người danh lợi. Trong trường hợp này, tình người sẽ xóa tan đi danh lợi.
Ta sống bằng tình người, bằng tình bạn hay đang sống bằng danh lợi? 
Khi tôi nói những điều này, nhiều người sẽ cho rằng tôi phản đối việc có danh lợi. Tôi không phản đối danh lợi. Tôi chỉ phản đối những tâm niệm hẹp hòi, ích kỷ, tự cao tự đại khi con người có danh lợi. Chư vị Hòa thượng vẫn được mọi người tặng cho những tiếng khen, những giải thưởng lớn. Nhưng tâm niệm của chư vị không bao giờ đặt nặng phải có những lời tặng, giải thưởng đó. Các Ngài hoàn toàn đặt tâm niệm của mình vào việc hoằng pháp lợi sanh, giúp nước độ đời. Danh lợi lúc đó là hệ quả tất yếu cho những công tác độ sanh không biết mệt của các Ngài. Các Ngài không cho danh lợi là hạnh phúc của mình mà hoàn toàn an trụ trong hạnh phúc của sự thực tập, của sự hành trì. Và các Ngài không bị xem là người danh lợi mà luôn được xem là người tự do. 
Có danh lợi chưa hẳn ta là người danh lợi. Chỉ khi nào ta xem hạnh phúc của danh lợi là hạnh phúc quan trọng nhất của mình thì ta mới là người danh lợi. Nếu có danh lợi mà ta không xem nó là hạnh phúc của mình, hoàn toàn sống trong niềm hạnh phúc của pháp lạc, của sự tu tập Phật pháp. Lúc này, ta đích thực là người tự do với tất cả ý nghĩa của con người thoát khỏi danh lợi.